Skip to main content

Bảo đảm an toàn thực phẩm khi bị ngập úng

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian từ ngày 09/5 đến ngày 14/5/2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ có mưa và mưa lớn. Trong đó, tối ngày 9/5/2022 đến sáng ngày 10/5/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, khiến nhiều khu vực bị ngập úng và bị chia cắt, hiện tượng sạt lở đất đá xảy ra ở hầu khắp các tuyến giao thông.

Mưa lớn và kéo dài gây ngập lụt nhiều nơi, môi trường bị ô nhiễm, thực phẩm tươi sống khan hiếm là nguyên nhân khiến người dân phải đối mặt với tình hình dịch bệnh, đặc biệt vấn đề an toàn thực phẩm.

2

 

Hình ảnh: Ngập úng tại thị trấn Bắc Sơn

Để bảo đảm ATTP, phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm, người dân cần lưu ý như sau:

  1. Sử dụng nước sạch và khử khuẩn nguồn nước bị ngập lụt

- Trước hết người dân cần sử dụng nước sạch để uống, tốt nhất là nước đóng chai, đóng bình. Trong trường hợp không có sẵn nguồn nước sạch thì cần khử khuẩn và đun sôi nước trước khi uống.

- Đối với nước chế biến cần làm sạch, khử khuẩn trước khi đun nấu. Đối với các gia đình sử dụng nước giếng khoan, cần bơm hết nước đục trong giếng sau đó mới sử dụng. Còn các gia đình sử dụng nước khe thì cần khử khuẩn bằng Cloramin B hoặc có thể dùng phèn chua, công thức khoảng 0,25g Cloramin B hoặc 5g phèn chua (nửa đốt ngón tay phèn chua) cho 25 lít nước để khử khuẩn.

 
   
2

Ngập úng tại xã Đề Thám, Tràng Định

2. Vệ sinh môi trường xung quanh

- Thực hiện khơi thông cống rãnh, thoát nước và dọn vệ sinh theo phương châm, nước rút đến đâu vệ sinh tới đó để loại bỏ rác và các chất thải khỏi nơi sinh sống càng sớm càng tốt.

- Sử dụng nước giếng, nước khe để rửa bề mặt những nơi bị úng lụt. Nhất là bề mặt bếp và dụng cụ chứa đựng, chế biến thực phẩm cần được vệ sinh trước khi sử dụng. Nếu có nắng thì hong khô là tốt nhất.

3. Thực hiện ăn chín, uống sôi

- Trong thời gian này việc đun, nấu thức ăn cũng khó khăn, nếu không thể thực hiện đun nấu thì người dân cần dùng thực phẩm bao gói sẵn, thức ăn ngay để đảm bảo an toàn.

- Sau khi vệ sinh môi trường, có đủ nước sạch để chế biến thức ăn thì người dân tuyệt đối không sử dụng động vật chết do úng lụt để làm thức ăn. Xác động vật cần được chôn lấp cách xa bếp, nơi đun nấu. Đối với rau củ bị ngập úng, nếu có thể thu hoạch kịp thời có thể sử dụng để nấu ăn, tuy nhiên khi rau củ bị thối nhũn thì cần loại bỏ.

- Sau khi bị ngập úng, người dân thường mắc bệnh truyền nhiễm như: tả, lỵ, tiêu chảy. Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh này thì không để người đó nấu ăn. Trường hợp không có người để nấu ăn thì những người này cần vệ sinh tay bằng xa phòng trước khi nấu ăn và đeo khẩu trang trong quá trình nấu để hạn chế lây lan bệnh.

 

Dương Hải Vân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm