Skip to main content

Cách nhận biết, sơ cấp cứu ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng có thể xảy ra với bất kỳ ai trong cuộc sống. Vì vậy cách sơ cứu ban đầu để áp dụng trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết nhằm giảm thiểu tử vong.

Ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm thường do bị ô nhiễm hay do độc tố tự nhiên gây nên bởi vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hay chất hoá học xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, nó đều liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn, vệ sinh và các dụng cụ như bát, đĩa, dao, thớt… đóng một vai trò nhất định trong việc lây truyền các bệnh qua thực phẩm. Những thực phẩm không an toàn như thực phẩm từ nguồn động vật không nấu chín, rau quả nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, thuỷ hải sản chứa độc tố sinh học, nấm độc… Tác nhân gây bệnh truyền qua thực phẩm có thể gây nên bệnh tiêu chảy nguy hiểm hay làm suy nhược cơ thể, nhiễm độc hoá học có thể gây tử vong hoặc mắc các bệnh mạn tính như ung thư. Do đó những đối tượng nguy cơ dễ bị ngộ độc thực phẩm là:

- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi: do chưa có hệ miễn dịch hoàn thiện.

- Người già: sự lão hóa của tuổi già làm cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi.

- Phụ nữ mang thai: hệ tuần hoàn và chuyển hóa bị thay đổi khiến dễ bị ngộ độc thực phẩm.

- Những người có hệ miễn dịch yếu.

- Những người mắc bệnh mạn tính như: tiểu đường, viêm gan, HIV/AIDS.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Ngay sau khi ăn thức ăn nhiễm độc, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm sẽ biểu hiện như sau:

- Đau bụng

- Buồn nôn, nôn

- Tiêu chảy

- Sốt

- Đau đầu

- Dấu mất nước: môi khô, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh.

- Trụy tim mạch

- Sốc nhiễm khuẩn.

- Có thể kèm theo hội chứng thần kinh như co giật, sùi bọt mép và hôn mê.

Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm

Đối với người lớn

- Cho nghỉ ngơi rồi hòa nước orezol cho uống hoặc có thể pha nước muối hay nước lọc giúp người bệnh bù lượng nước đã mất và trung hòa tốt các chất bên trong người bệnh giúp hạn chế các độc tố tích tụ bên trong.

- Đưa ngay đến bệnh viện nhanh chóng để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ em, cần tiến hành những bước sau:

- Hòa gói oresol cho để uống để bù các chất điện giải và chất lỏng đã mất, tránh tình trạng mất nước trầm trọng gây kiệt sức.

- Ngừng cho trẻ ăn các món ăn khi thấy chúng có biểu hiện tiêu chảy hoặc buồn nôn.

- Đưa trẻ đến bệnh viện nhanh chóng để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Để phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm sau đây là một số khuyến cáo:

1. Không uống sữa chưa được tiệt trùng hay dùng các thực phẩm có chứa sữa chưa được tiệt trùng.

2. Rửa trái cây tươi và rau dưới vòi nước thật kỹ trước khi ăn.

3. Giữ nhiệt độ tủ lạnh ở 5 º C hoặc thấp hơn, giữ nhiệt độ các tủ đông lạnh ở 0 ºC hoặc thấp hơn.

4. Dùng các loại thực phẩm đã nấu sẵn, thực phẩm dễ bị ôi thiu ăn ngay càng sớm càng tốt.

5. Giữ thịt, cá, thịt gia cầm sống riêng biệt với các loại thực phẩm khác.

6. Rửa tay, dao, thớt ngay sau khi đã xử lý xong các thực phẩm tươi sống, các sản phẩm từ thịt sống, cá, gia cầm.

7. Nấu thức ăn có nguồn gốc động vật phải được nấu kỹ khi đạt nhiệt độ bên trong an toàn phải trên 70 º C để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

8. Không ăn gỏi cá sống gây nguy cơ nhiễm một loạt các ký sinh trùng.

9. Làm lạnh thực phẩm kịp thời, không để thức ăn đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá hai giờ.

10. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc, nấm dập nát, ôi thiu.

                                                                                       BS. Phạm Thanh Hồng, Chi cục ATVSTP