Skip to main content

Giải pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm tập thể

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể

Khu vực xung quanh các cổng trường học trong tỉnh có rất  nhiều hàng quán bán đồ ăn, uống. Nhiều người bán hàng rong cũng chọn khu vực này để bán hàng. Điều dễ nhận thấy là đồ ăn được bày bán ngay trên vỉa hè, không tủ kính che đậy. Người bán chủ yếu bốc, cầm trực tiếp thức ăn không sử dụng găng tay. Đồ ăn thập cẩm từ xúc xích, thịt viên chiên, bò khô, xôi, đến bánh, kẹo… Một số đồ ăn vặt đóng gói chữ nước ngoài, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Một mối lo nữa là các bữa ăn nấu cho đông người, các bếp ăn tập thể như ở trường học cho học sinh. Đặc biệt là việc người dân tự nấu phục vụ đám giỗ, đám cưới… Khi người chế biến không hiểu biết, không có ý thức đảm bảo ATTP, không được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe định kỳ và không tuân thủ quy trình chế biến, lựa chọn, bảo quản thực phẩm đảm bảo an toàn thì  ngộ độc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đáng lo là thức ăn đường phố, hàng rong và một số bếp ăn trường học chưa đảm bảo an toàn.

1

            Kiểm tra an toàn thực phẩm theo chuyên đề tại bếp ăn tập thể

Còn đó những vi phạm, mối nguy

Qua công tác Kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, kiểm tra hậu kiểm:

Tổng số cơ sở thực phẩm được kiểm tra: 168 cơ sở; Tổng số cơ sở vi phạm: 28/168 cơ sở (chiếm 16,7%); Tổng số cơ sở vi phạm bị xử phạt VPHC: 28/28 cơ sở (chiếm 100%). Qua đó xử phạt vi phạm hành chính: 75.600.000 đồng.

Để kiểm soát mối nguy thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành lấy Lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm với tổng số mẫu đã lấy: 1.350 mẫu để test nhanh đạt 2.625 chỉ tiêu. Số mẫu không đạt yêu cầu: 26 mẫu (05 mẫu bánh phở không đạt do dương tính với Focmol; 08 mẫu giò chả và 07 mẫu rau sống ăn ngay có E.coli vượt quá giới hạn quy định; 01 mẫu rau sống ăn ngay có Salmonella vượt quá giới hạn quy định; 05 mẫu rượu trắng chưng cất có hàm lượng Methanol vượt quá giới hạn). Các mẫu không đạt yêu cầu đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý theo quy định.

Nguyên nhân do đâu?

 

Theo đánh giá của Chi cục ATVSTP tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về ATTP của Ban chỉ đạo tuyến xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế, thiếu chủ động trong công việc, nhất là trong công tác kiểm tra, kiểm soát và ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm chưa triệt để, chủ yếu nhắc nhở. Chưa quản lý tốt các cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, quán bánh kẹo, nước giải khát, đặc biệt trước các cổng trường học còn mất vệ sinh, hàng hóa không an toàn. Ban chỉ đạo ATTP tuyến xã có người chưa nắm rõ về công tác đảm bảo ATTP... Việc quản lý các sản phẩm tự công bố còn nhiều bất cập, rất khó khăn cho việc kiểm tra hậu kiểm và lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

Giải pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm

Để đạt mục tiêu này trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức từ lãnh đạo địa phương đến Ban chỉ đạo ATTP tuyến xã và người dân, từ đó thay đổi hành vi sản xuất, lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về ATTP, nhất là các điển hình và hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, hiệp hội, hội nghề nghiệp. 

Nêu cao vai trò của người đứng đầu chính quyền địa phương. Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đã phân cấp, quy định rõ trách nhiệm. Ban chỉ đạo ATTP cấp trên trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp dưới, kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. 

Quan tâm tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác ATTP, nhất là Ban chỉ đạo ATTP ở tuyến xã. Tập huấn, cập nhật các văn bản cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý.

 

 

                                                                            BS. Phạm Thanh Hồng