Skip to main content

Kiểm tra giám sát Chương trình sữa học đường năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 14/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về triển khai chương trình sữa học đường  năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì phối hợp với Văn phòng HĐND&UBND, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình.

Chương trình sữa học đường được triển khai thực hiện với mục tiêu là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các học sinh tiểu học, trẻ mầm non tham gia trình được chia thành 03 nhóm đối tượng gồm:

- Diện A: Ngân sách địa phương hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa
hỗ trợ 25% chi phí sản phẩm, phụ huynh đóng góp 25% chi phí sản phẩm. Diện A gồm học sinh tiểu học, trẻ mầm non thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí hiện hành, con thương binh, con liệt sĩ (có xác nhận của chính quyền địa phương), trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi.

- Diện B: Ngân sách địa phương hỗ trợ 25%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ
trợ 25% chi phí sản phẩm, phụ huynh đóng góp 50% chi phí sản phẩm. Diện B áp dụng đối với các trẻ mầm non và học sinh tiểu học thuộc diện hộ cận nghèo theo tiêu chí hiện hành.

- Diện C: Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 25%, phụ huynh đóng góp
75% chi phí sản phẩm. Thực hiện đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học không thuộc Diện (A, B) nhằm khuyến khích phụ huynh cho trẻ uống sữa tại trường.

Đối với học sinh tiểu học sẽ uống sữa 03 lần/tuần, mỗi lần uống 180ml/hộp. Còn trẻ mầm non sẽ uống sữa 05 lần/tuần, mỗi lần uống 110ml/hộp. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 100% các huyện và thành phố Lạng Sơn tham gia Chương trình. Ở hầu hết các huyện thì cả cấp tiểu học và mầm non cùng tham gia, riêng thành phố Lạng Sơn chỉ có cấp tiểu học tham gia Chương trình. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh, trẻ tham gia Chương trình ở các trường là khác nhau, cao nhất khoảng 95%  (tại các trường mầm non), còn các trường tiểu học tỷ lệ tham gia thấp hơn, dao động từ 50-85%.

1

Học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn uống sữa học đường

Đoàn kiểm tra giám sát do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì đã thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên 07 trường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng. Trong đó có 01 trường tiểu học và trung học cơ sở, 02 trường mầm non và 04 trường tiểu học.

Kết quả kiểm tra giám sát về hồ sơ hành chính pháp lý liên quan đến Chương trình tại các trường hầu hết là đầy đủ như: Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch xã hội hóa giáo dục trong triển khai Chương trình sữa học đường năm học 2021-2022. Đã phát phiếu lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc  đăng ký tham gia Chương trình. Có lưu giữ thông tin về học sinh, trẻ mầm non ( thuộc các diện Diện A, B, C) tham gia Chương trình. Có hợp đồng mua sữa học đường giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố với đơn vị cung cấp sữa (Công ty Cổ phần sữa Việt Nam). Nhà trường có lưu giữ hồ sơ tự công bố sản phẩm số 02-C2/VNM/2020 ngày 18/01/2020 của sản phẩm Sữa tươi tiệt trùng có đường nhãn hiệu Vinamilk 100% sữa tươi-Học đường của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam. Các trường đều lưu giữ đầy đủ phiếu giao sữa và hóa đơn mua. Đã lập sổ theo dõi phát sữa của trường và ghi chép tương đối đầy đủ thông tin cơ bản liên quan đến việc phát sữa. Tuy nhiên hầu hết các trường chưa thực hiện việc theo dõi phát sữa theo lô.

2

Kiểm tra việc bảo quản sữa tại trường mầm non 2 Tân Thành, huyện Hữu Lũng

Về điều kiện bảo quản tại các trường được kiểm tra trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các trường mầm non trên địa bàn huyện Hữu Lũng đáp ứng được quy định chung như: khu vực bảo quản thông thoáng, sạch sẽ, có giá kê cao sữa so với mặt đất, bảo đảm các điều kiện về phòng chống côn trùng và động vật gây hại. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản tại các trường tiểu học không có bếp ăn tập thể hoặc có bếp ăn bán trú dân nuôi chưa bảo đảm vì không có khu vực lưu giữ, bảo quản sữa riêng. Sữa sau khi đơn vị cung cấp giao cho nhà trường, nhà trường đã phát sữa cho giáo viên chủ nhiệm các lớp và sữa được lưu giữ, bảo quản tại lớp học hoặc phát trực tiếp cho phụ huynh học sinh.

Việc cấp phát sữa và thực hiện cho học sinh uống sữa tại các trường cũng khác nhau. Tại các trường mầm non thực hiện phát và uống sữa vào buổi sáng hàng ngày. Đối với các trường tiểu học có khu vực lưu giữ và bảo quản sữa, sữa được phát cho học sinh vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần và học sinh thực hiện uống sữa tại lớp học có sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm lớp. Đối với các trường không có khu vực bảo quản, lưu giữ thì sữa được phát cho phụ huynh học sinh và học sinh uống sữa tại nhà.

3

Phát sữa cho học sinh vào thứ 2 ngày 16/5/2022 tại trường TH Vĩnh Trại

Đối với việc lưu mẫu sữa hiện nay các trường chưa thực hiện được do: thứ nhất là nhà trường chỉ nhập sữa theo số lượng học sinh, trẻ đăng ký uống; không có nguồn kinh phí để mua thêm. Thứ hai Phiếu giao sữa của đơn vị cung cấp chỉ thể hiện 01 lô sữa ngẫu nhiên trong các lô giao cho nhà trường, vì vậy nhà trường bị động trong việc lưu mẫu sữa theo lô thực tế được giao.

Bên cạnh việc kiểm tra về hồ sơ hành chính pháp lý và các điều kiện về bảo quản, lưu giữ, phân phối, lưu mẫu và thực hành cho học sinh uống sữa. Để đánh giá chất lượng  sản phẩm sữa học đường, Đoàn kiểm tra đã lấy 02 mẫu sữa gồm: 01 mẫu sữa học đường dung tích 180ml/hộp và 01 mẫu sữa học đường dung tích 110 ml/hộp để gửi Viện kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra Đoàn kiểm tra đã ghi nhận các khó khăn, kiến nghị của các nhà trường trong việc triển khai thực hiện Chương trình như: Khó khăn về cơ sơ vật chất phục vụ cho việc bảo quản, lưu giữa sữa; chưa có hướng dẫn chung về sổ theo dõi phát sữa và lưu mẫu sữa để các trường thực hiện đồng bộ. Về giá thành sản phẩm còn khá cao so với thu nhập của phụ huynh học sinh. Đặc biệt đối với trẻ mầm non tham gia Chương trình việc uống sữa tươi vào mùa đông không thuận lợi như việc uống sữa bột vì nhiệt độ thấp. Một số khó khăn, vướng mắc đã được Đoàn kiểm tra hướng dẫn nhà trường thực hiện như: việc lưu mẫu gối giữa các đợt giao sữa, hướng dẫn việc kiểm soát sữa đầu vào và đầu ra của sữa theo lô. Đối với các khó khăn, vướng mắc khác Đoàn đã đề nghị các nhà trường kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ, giải đáp.

Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Chương trình đã cấp phát khoảng 4,8 triệu hộp sữa học đường; trong đó có 1,9 triệu hộp dung tích 180 ml/hộp cho các trường tiểu học và khoảng 2,9 triệu hộp dung tích 110 ml/hộp cho các trường mầm non. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện Chương trình chưa được rộng khắp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh và trẻ mầm non uống sữa không được đều do nhà trường tổ chức học online hoặc cho trẻ nghỉ học. Một khó khăn nữa là giá thành sản phẩm, mặc dù đã được hỗ trợ về giá nhưng so thu nhập của phụ huynh học sinh thì mức giá đó vẫn khá cao. Như vậy, để tiếp tục thực hiện Chương trình và đạt được mục tiêu đã đề ra, cần có sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, tổ chức đoàn thể và sự tham gia hưởng ứng của phụ huynh học sinh.

Dương Hải Vân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm