Skip to main content

Kiểm tra, giám sát việc lưu hành sản phẩm thực phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm

Thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm-Bộ Y tế đã cảnh báo, tạm dừng lưu thông và thu hồi không ít sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do không bảo đảm an toàn, chứa chất cấm. Có thể thấy các thực phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm rất đa dạng từ thực phẩm hỗ trợ giảm cân, thực phẩm tăng cường sinh lý, thực phẩm hỗ trợ các chức năng xương khớp,… và một số thực phẩm bị thu hồi do không đạt về chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn theo hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm hoặc vi phạm về nhãn hàng hóa.

Nhóm các thực phẩm hỗ trợ giảm cân là nhóm thực phẩm bị thu hồi nhiều nhất, do chứa các chất cấm như: Sibutramine - một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn và Phenolphtalein - chất có tác dụng phân giải chất béo, đồng thời ngăn chặn sự tích lũy mỡ trong cơ thể. Một số thực phẩm chứa chất cấm đã bị thu hồi từ đầu năm 2022 như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) DIAMOND Power Slim có chứa chất cấm Sibutramine; TPBVSK Slimming TIGI MAX 28 có chứa chất cấm Sibutramine; TPBVSK Viên uống giảm cân SEVEN DAYS  có chứa chất cấm sibutramine; TPBVSK FEO DỨA có chứa chất cấm Sibutramine  và Phenolphtalein; Viên uống thảo mộc Mộc slim có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein; Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo chứa chất cấm Sibutramine;

Nhóm thực phẩm tăng cường sinh lý lại chứa chất cấm như Sildenafil - chất hỗ trợ chức năng cương dương ở nam giới.  Một số thực phẩm chứa Sildenafil đã bị thu hồi như: TPBVSK Bổ dương hoàn plus; TPBVSK Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý;

Nhóm thực phẩm hỗ trợ các chức năng xương khớp chứa chất cấm Diclofenac- chất hỗ trợ giảm đau, viêm, trong đó đã thu hồi sản phẩm Viên nang Gân Cốt Hoàn; TPBVSK Viên xương khớp Japan.

Nhóm các thực phẩm bị thu hồi do không đạt chỉ tiêu chất lượng theo hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm như: TPBVSK Glucosamin Extra-GT do không đạt về chỉ tiêu Vitamin D3; TPBVSK BIO PHARMIN VIP do không đạt về chỉ tiêu Lactobacillus acidophillus.Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm và dinh dưỡng và thực hiện rà soát, kiểm tra việc lưu hành sản phẩm thực phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chủ trì phối hợp với Văn phòng HĐND&UBND thành phố Lạng Sơn kiểm tra, giám sát một số nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn thành phố.

 

2

Kiểm tra, giám sát tại nhà thuốc Huy Định

Kiểm tra ngẫu nhiên 05 nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, cho thấy các nhà thuốc, quầy thuốc kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn mua hàng với đơn vị cung cấp; kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tem nhãn đúng quy định và còn hạn sử dụng. Các cơ sở không kinh doanh thực phẩm bị tạm dừng lưu thông, thu hồi hay thực phẩm chứa chất cấm. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các nhà thuốc, quầy thuốc nếu phát hiện sản phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm cần liên lạc với Văn phòng HĐND&UBND thành phố để được hướng dẫn thu hồi theo quy định.

          Cùng với hoạt động kiểm tra, giám sát, Chi cục đã ban hành các công văn gửi Văn phòng HĐND&UBND các huyện, thành phố để tổ chức tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng không mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị thu hồi, chứa chất cấm. Bên cạnh đó, Chi cục đã đăng tải đầy đủ các quyết định thu hồi của Cục An toàn thực phẩm và viết tin bài cảnh bảo về các sản phẩm này đăng tải trên OA Zalo và Trang thông tin điện tử tổng hợp để kịp thời thông tin, cảnh báo đến người tiêu dùng.

 Được biết, trên địa bàn các huyện, thành phố đã thiết lập các nhóm nhà thuốc, quầy thuốc trên ứng dụng Zalo, Facebook và Văn phòng HĐND&UBND các huyện, thành phố đã triển khai công văn thu hồi, cảnh báo sản phẩm chứa chất cấm đến các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn và yêu cầu tự rà soát, báo cáo kết quả về Văn phòng HĐND&UBND huyện, thành phố. Kết quả từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có nhà thuốc, quầy thuốc kinh doanh sản phẩm thực phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm.

Tại Lạng Sơn, hiện nay không có cơ sở kinh doanh TPBVSK riêng biệt mà TPBVSK được bán tại các nhà thuốc, quầy thuốc với số lượng dao động từ 300-700 sản phẩm thực phẩm/nhà thuốc, quầy thuốc. Việc kiểm tra, rà soát các thực phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm chưa được các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thường xuyên, liên tục vì sản phẩm thực phẩm bị thu hồi khá nhiều và hầu như tháng nào cũng có. Như vậy, để tăng cường hiệu quả của việc thu hồi, xử lý sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn thì trước hết cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng không mua, sử dụng các sản phẩm này bằng nhiều hình thức như: Trang thông tin điện tử tổng hợp, OA Zalo, hệ thống truyền thanh truyền hình, loa phát thanh,... Sau đó là nâng cao nhận thức của các quầy thuốc, nhà thuốc trong việc tự kiểm tra, rà soát sản phẩm thực phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm; yêu cầu các nhà thuốc, quầy thuốc khi phát hiện sản phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm cần báo cáo đến cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để được hướng dẫn thu hồi, xử lý. Và cuối cùng là tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đối với các sản phẩm thực phẩm bị thu hồi, chứa chất cấm.

Dương Hải Vân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm