Skip to main content

Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018

 

Ngày 18/04/2018, thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc tổ chức lễ phát động “tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm” năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Dự và chỉ đạo có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn. Đại diện các Sở, ban ngành đoàn thể liên quan của tỉnh và của huyện Cao Lộc.

 

1

  Đ/c Hồ Tiến Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động

 

Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm  có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong Chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần  thực hiện phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương. Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong nhiềm năm qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp; sự phối hợp vào cuộc của các ban ngành đoàn thể đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát luôn được đẩy mạnh tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân cung ứng, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Qua đó nhiều cơ sở đã thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều loại mặt hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn được kiểm tra, xử lý và tiêu hủy đúng quy định.

 

1

Ký cám kết đảm bảo an toàn thực phẩm tại lễ phát động

 

 Trong năm 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh đã  kiểm tra, xử lý trên 4.600 vụ, xử lý vi phạm hành chính gần 3.000 vụ với trên 25.400 triệu đồng. Tuy nhiên trong năm 2017, tai huyện Chi Lăng cũng đã để sảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn nấm độc với 03 người mắc và 01 người tử vong.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền các địa phương, của các cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ phát động, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

1. Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đặc biệt chú ý giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu, phổ biến những kiến thức khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất chế biến thực phẩm, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Tăng cường giáo dục về an toàn thực phẩm trong nhà trường, các cấp học, bậc học.

2. Đề cao vai trò, trách  nhiệm của chính quyền các cấp, các ban, ngành đoàn thể và các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhanh chóng triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ ban hành Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

3. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm bằng chế tài hành chính và hình sự đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

4. Tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong trồng chọt và chăn nuôi, đặc biệt trong sản xuất rau quả, chăn nuôi giết mổ gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu qua biên giới. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm mất an toàn, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

5. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;  nêu cao trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

6. Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

 

 

1

 

Diễu hành đường phố hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm

 

Cũng tại buổi lễ phát động “tháng hành đông vì an toàn thực phẩm năm 2018” tại huyện Cao Lộc, đại diện các cơ sở nhà hàng, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước sự chứng kiến của các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương liên quan.

Ngay sau buổi lễ phát động, Ban tổ chức lễ phát động đã tổ chức diễu hành cổ động đường phố tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 tại các tuyến đường chính của huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn./.