Skip to main content

Nhìn lại công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022

Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, ngày 24/01/2022 Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-BCĐ về việc Triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022.

Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh thì công tác kiểm tra, hậu kiểm phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra, hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, lễ hội và các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.Trên cơ sở kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh thì 03 Ngành thành viên Ban chỉ đạo đã kịp thời xây dựng các kế hoạch tổ chức kiểm tra hậu kiểm các sản phẩm, cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn tỉnh là: Ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương. Bên cạnh đó, các đơn vị như Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường cũng tích cực tham gia kiểm tra hậu kiểm các cơ sở thực phẩm và sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường. Trong các đợt cao điểm về bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã có gần 6.000 cơ sở thực phẩm được kiểm tra. Cụ thể: Tết Nguyên đán kiểm tra được 1.401 cơ sở thực phẩm; Tháng hành động kiểm tra được 2.245 cơ sở và Tết Trung thu được 2.123 cơ sở thực phẩm. Đã xét nghiệm nhanh 160 mẫu và kiểm nghiệm 28 mẫu sản phẩm thực phẩm, kết quả có 05 mẫu Test nhanh không đạt, còn lại đạt. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 758 cơ sở thực phẩm có tồn tại và xử phạt vi phạm hành chính 334 cơ sở thực phẩm (chiếm 5,6% tổng số cơ sở được kiểm tra), nhắc nhở 424 cơ sở thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt là 666.782.000 đồng. Cũng trong các đợt này, các đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện 64 mặt hàng thực phẩm với hơn 10.000 đơn vị sản phẩm là thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu và đã tiêu huỷ các sản phẩm này. Trong đó, các sản phẩm thực phẩm bị thu hồi, tiêu hủy với số lượng lớn như: 2.500 kg chân gà rút xương; 450 chiếc bánh vừng; 110 kg táo tàu sấy khô; 2.000 chiếc xúc xích cay ăn liền; 1.600 chiếc chân gà cay ăn liền; 820 chiếc bánh trung thu các loại,...

 

 

2

Hình ảnh: Kiểm tra tại cơ sơ kinh doanh dịch vụ ăn uống

Hậu kiểm theo Ngành, lĩnh vực cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó các Ngành đã chú trọng lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, thực hiện các Test nhanh trong quá trình kiểm tra để đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra hồ sơ hành chính pháp lý, cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện con người đã được các đoàn kiểm tra, hậu kiểm thực hiện nghiêm túc, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Từ những kết quả trên, có thể khảng định năm 2022, công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật nhất là số lượng lớn cơ sở thực phẩm được kiểm tra (gần 6.000 cơ sở thực phẩm trong các đợt cao điểm) và hàng trăm cơ sở theo quản lý Ngành ở cấp tỉnh được kiểm tra, các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường cũng được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Nhiều sản phảm thực phẩm không bảo đảm an toàn, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu hồi, tiêu hủy góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Thông qua đó cũng nêu cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn./.

Dương Hải Vân-Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm