Skip to main content

NHỮNG ĐIỀU CƠ SỞ THỰC PHẨM CẦN LƯU Ý VỀ TỰ CÔNG BỐ SẢN PHẨM THỰC PHẨM

 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, có hiệu lực được 02 năm (từ 02/02/2018). Nghị định được  xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh những thuận lợi trên, thì việc thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập trong việc tự công bố chất lượng sản phẩm.

Tại Lạng Sơn, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ nhiều và thường xuyên biến động. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm chưa đầy đủ đặc biệt là các loại thực phẩm không phổ biến, thực phẩm đặc thù địa phương chưa đầy đủ, nhân lực được đào tạo chuyên ngành về thực phẩm hầu như không có, vấn đề này là một trong những khó khăn trong cho doanh nghiệp trong việc tự công bố, đồng thời cũng là khó khăn trong công tác quản lý.Bên cạnh đó, sau khi thực hiện tự công bố doanh nghiệp được phép đưa sản phẩm ra thị trường, tuy nhiên nếu trong trường hợp có nguy cơ mất an toàn thực phẩm thì dù có kiểm tra xử lý nhưng thực phẩm không đảm bảo đã được lưu thông trên thị trường. Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, các cơ sở sản xuất cần chú trọng đầu tư trang thiết bị kiểm soát chất lượng; Ứng dụng khoa học công nghệ, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức chức tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ở mọi khâu, mọi công đoạn của quá trình sản xuất để đảm bảo sự ổn định và chất lượng của thực phẩm.Trên địa bàn Lạng Sơn, trước ngày 01/9/2020 việc tiếp nhận, quản lý, đăng tải danh sách hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm được giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời gian này đã tiếp nhận 470 hồ sơ (Trong đó: Sản phẩm TP nhập khẩu: 314; Sản phẩm TP sản xuất trong nước: 156). Chính vì thủ tục, hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm rất đơn giản, không thu phí, không cần xét duyệt của cơ quan quản lý nên một số cơ sở đã “công bố dự phòng” các sản phẩm có khả năng nhập khẩu, làm gia tăng số lượng hồ sơ tự công bố. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc hậu kiểm vì để đánh giá hồ sơ và chất lượng sản phẩm cần thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành, những sản phẩm sản xuất theo mùa vụ có thể không lấy được mẫu thực phẩm do thời gian thanh kiểm tra không phù hợp (bánh trung thu và sản phẩm liên quan; mứt tết...). Từ ngày 01/9/2020, việc tiếp nhận, quản lý bản tự công bố sản phẩm thực phẩm được thực hiện như sau:

- Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm): Tiếp nhận, quản lý bản tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố do Sở Y tế quản lý theo phân cấp tại phụ lục II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp nhận, quản lý bản tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo phân cấp tại phụ lục III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;

- Sở Công Thương: Tiếp nhận, quản lý bản tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố do Sở Công Thương quản lý theo phân cấp tại phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

 

1

Để việc tự công bố chất lượng sản phẩm thực hiện đúng mục tiêu tạo thuận lợi cho cơ sở thực phẩm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất/ kinh doanh/ chế biến thực phẩm cần phối hợp tốt với cơ quan quản lý chuyên ngành, các ngành chức năng trong các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh và thói quen tiêu dùng của người dân. Các Hội, đoàn thể cần tổ chức giám sát, đánh giá độc lập, khách quan chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong khả năng có thể để cảnh báo, khuyến cáo kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý chuyên ngành cần đẩy mạnh công tác giám sát, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng./.

                                                 Bài và ảnh : Trần Thanh Thủy-Chi cục ATVSTP