Skip to main content

Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra

Ngộ độc thực phẩm là một trong các tình huống của sự cố về an toàn thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thu thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.

Thuật ngữ ngộ độc thực phẩm nói về một hội chứng cấp tính, xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày – ruột (nôn, đau bụng, ỉa chảy…) và những triệu chứng khác tùy theo đặc điểm của từng loại ngộ độc (tê liệt thần kinh, co giất, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, vận động…).

Tác nhân gây ngộ độc có thể là chất độc hóa học (Hóa chất bảo vệ thực vật…), chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (như một số loại động vật như cóc, cá nóc…, hoặc thực vật như nấm độc, sắn...), do vi sinh vật (như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng) và do thức ăn bị biến chất.

Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra:

1. Nguyên tắc chung

- Khi phát hiện có người bệnh đầu tiên bị ngộ độc có liên quan đến việc tiêu dùng thực phẩm, suất ăn sẵn, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

- Khẩn trương đưa các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, điều trị kịp thời cho tất cả những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; cần chú ý đối với trẻ em và những người bị nặng, người già, những người đang bị bệnh khác và những người vừa điều trị khỏi bệnh, đó là những người có sức đề kháng kém.

1

- Đình chỉ sản xuất kinh doanh, sử dụng thực phẩm bị nhiễm độc;

 - Thu hồi thực phẩm bị nhiễm độc đã sản xuất và đang lưu thông trên thị trường;

- Thông báo kịp thời cho người tiêu dùng về tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm, thực phẩm đang lưu thông trên thị trường bị nhiễm độc;

 - Kịp thời điều tra xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm;

 - Thực hiện các biện pháp phòng ngừa việc lan truyền bệnh dịch do ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm.

2. Biện pháp cụ thể

Khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm, ngoài việc cấp tốc cấp cứu và điều trị những người bị nạn, cần tiến hành các quy trình điều tra ngộ độc theo quy định hiện hành.

- Đình chỉ việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ra ngộ độc.

- Thu thập mẫu vật như thức ăn thừa, chất nôn mửa, chất rửa ruột, phân để gửi đi xét nghiệm về vi sinh vật, hóa học, độc chất, sinh vật… Trường hợp có người bị tử vong do ngộ độc thực phẩm, phải tiến hành phối hợp với ngành công an và ngành pháp y để điều tra, xử lý.         

- Điều tra trường hợp ngộ độc theo dõi triệu chứng lâm sàng, trường hợp tử vong… để kết hợp với kết quả kiểm nghiệm tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm.

1

- Quyết định xử lý và xử trí đối với các lô thực phẩm, trường hợp cần thiết kết hợp giữa các cơ quan hữu quan như Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cấp cứu và săn sóc bệnh nhân./.