Skip to main content

Ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể vẫn còn nhiều nỗi lo

Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều người... là vấn đề nóng cần được kiểm soát. Hãy thực hiện những biện pháp sau để phòng chống ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể.

5

Nguyên nhân gây nên NĐTP tại các BATT: Đây là khu vực nguy cơ vì số lượng người ăn rất đông, đối tượng phục vụ đôi khi rất nhạy cảm (học sinh), công việc rất khẩn trương mà còn đòi hỏi người phục vụ phải có tinh thần trách nhiệm cao và kiến thức đầy đủ về VSATTP nên dễ xảy ra sơ suất.

Các đơn vị chưa đầu tư đúng mức trong việc tổ chức BATT, phần lớn bếp ăn xây dựng tạm bợ, chất lượng bửa ăn kém vì chi phí thấp. Chế độ kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ.

Tác hại NĐTP bếp ăn tập thể: Thường gây ra những hậu quả không tốt đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Ngoài việc ảnh hưởng đến ngày giờ công lao động, nó còn có thể gây nguy hiểm đến tình trạng sức khoẻ của các em học sinh. Tuỳ theo mức độ mắc các triệu chứng nếu xảy ra ngộ độc cấp tính nhưng nhẹ sẽ ổn định trong vòng vài giờ đến vài ngày, trầm trọng có thể dẫn đến tử vong; nếu ngộ độc mạn tính do sử dụng thường xuyên thực phẩm bị nhiễm hóa chất bảo quản có thể gây bệnh mãn tính như ung thư, mất khả năng sinh sản,...

Các biện pháp phòng ngừa NĐTP: NĐTP gây ra bởi rất nhiều mối nguy có nguồn gốc từ vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc), nhóm hoá chất (có sẳn độc chất trong thiên nhiên dưới dạng động thực vật, hoặc do con người cố tình hay vô ý đem vào), nhóm tác nhân vật lý (vật lạ, nhiệt độ, ánh sáng), Sử dụng nguồn nước không đảm bảo vì vậy cần phải thực hiện những nguyên tắc sau:

1. Đối với cơ sở chế biến yêu cầu:

- Nguyên liệu thực phẩm mua về phải có nguồn gốc rõ ràng và từ những nguồn đáng tin cậy.

- Không sử dụng những thực phẩm lạ, cảnh giác với những loại thực phẩm có nguy cơ cao, ví dụ như: Gió, chả,…hay có hàn the;  Bánh phở, bún... hay có Formol; Rau củ quả... hay có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; Cá biển bị hư hỏng hay phát sinh dị ứng; Một số thực phẩm hay có sẳn độc chất tự nhiên như nấm độc, măng, cá nóc, cóc... Các thực phẩm chế biến ăn ngay bị hỏng, nhiễm khuẩn do chế biến không vệ sinh hoặc bảo quản không tốt. Sử dụng nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh dùng cho chế biến thực phẩm và rửa trang thiết bị, dụng cụ.

- Đầu tư đúng mức yêu cầu vệ sinh cho BATT về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chế biến, nhân viên bếp. Có chế độ giám sát thường xuyên tình hình vệ sinh bếp ăn và có biện pháp nâng cao chất lượng bữa ăn, nhất là đối với cơ sở có hợp đồng cung cấp suất ăn ngoài.

2. Đối với cơ quan chức năng: Tăng cường kiểm tra giám sát, tích cực hướng dẫn và tập huấn các quy định về VSATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

      An toàn thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người, vừa  cấp bách, vừa mang tính lâu dài, không những cung ứng nguồn dinh dưỡng tốt cho cuộc sống, làm giảm gánh nặng bệnh tật, tăng cường khả năng và hiệu suất lao động mà còn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện nếp sống văn minh. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp và tất cả mọi người đều phải cùng nhau có trách nhiệm, cùng hành động một cách thiết thực, tích cực, đồng bộ thì mới có thể từng bước giải quyết được một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp trong thời gian tới./.

 

                          Tin, ảnh: BS. Phạm Thanh Hồng, Chi cục ATVSTP