Skip to main content

KHÁI QUÁT VỀ TỰ CÔNG BỐ SẢN PHẨM THỰC PHẨM DO NGÀNH Y TẾ QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

 Tự công bố sản phẩm thực phẩm là chủ trương tích cực của Chính phủ để cắt giảm thủ tục hành chính về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.

Tại Lạng Sơn, số lượng các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thực phẩm hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, nhân lực được đào tạo chuyên ngành về thực phẩm hầu như không có. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm hiện nay chưa đầy đủ, đặc biệt là các loại thực phẩm không phổ biến, thực phẩm đặc thù địa phương khó áp dụng/vận dụng, vấn đề này là một trong những khó khăn trong cho cơ sở trong việc tự công bố sản phẩm.

          Trước ngày 01/9/2020, việc tiếp nhận, quản lý, đăng tải danh sách hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm được giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời gian này đã tiếp nhận 470 hồ sơ (Trong đó: Sản phẩm TP nhập khẩu: 314; Sản phẩm TP sản xuất trong nước: 156).

            Khi Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND 18/8/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn Ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, có hiệu lực từ ngày 01/9/2020, việc tiếp nhận, quản lý bản tự công bố sản phẩm thực phẩm được thực hiện như sau:

- Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm): Tiếp nhận, quản lý bản tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố do Sở Y tế quản lý theo phân cấp tại phụ lục II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp nhận, quản lý bản tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo phân cấp tại phụ lục III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;

- Sở Công Thương: Tiếp nhận, quản lý bản tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố do Sở Công Thương quản lý theo phân cấp tại phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Tính đến 15/12/2021, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiếp nhận, đăng tải tổng số 282 hồ sơ tự công bố sản phẩm (88 sản phẩm sản xuất tại địa phương, 194 sản phẩm nhập khẩu) gồm các nhóm thực phẩm: Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (175 hồ sơ); Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm (97 hồ sơ); Phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm (08 hồ sơ); Các sản phẩm khác (02 hồ sơ).

1

Ngoài việc tiếp nhận, đăng tải danh sách hồ sơ đã tiếp nhận trên trang điện tử của Chi cục, công tác hậu kiểm các sản phẩm đã công bố cũng đã được thực hiện theo qui định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Trong năm 2021, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành hậu kiểm và lấy mẫu đánh giá các chỉ tiêu an toàn theo hồ sơ tự công bố của 48 sản phẩm. Kết quả: 47/48 mẫu thực phẩm đạt, 01 mẫu không đạt. Xử lý vi phạm hành chính 01 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai số tiền 30.000.000 đồng.

Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh cũng như thực hiện tốt các qui định về tự công bố sản phẩm, các cơ sở sản xuất cần nghiên cứu, nắm rõ vai trò, ý nghĩa của các Quy chuẩn/Tiêu chuẩn/Quy định về an toàn thực phẩm để thiết lập hồ sơ tự công bố cho phù hợp với điều kiện sản xuất của mình. Chú trọng đầu tư trang thiết bị kiểm soát chất lượng; Ứng dụng khoa học công nghệ, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức chức tốt công tác tự kiểm tra, giám sát chất lượng ở mọi khâu, mọi công đoạn của quá trình sản xuất để đảm bảo sự ổn định và chất lượng thực phẩm. Các cơ sở nhập khẩu thực phẩm cần lưu ý: tài liệu trong hồ sơ tự công bố phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài (nhãn chính sản phẩm, tài liệu về chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất …) thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Nhãn phụ của sản phẩm phải có đủ thông tin theo đúng qui định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ qui định về ghi nhãn hàng hóa.

Trần Thanh Thủy – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh