Skip to main content

NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC HIỆN VÀ CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH NHÀ NƯỚC VỀ ATVSTP,NHỮNG HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

    Ngày 02/02/2018,Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ – CP thay thế nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật ATTP, trong đó quy định rõ Nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.Nghị định vừa ban hành và có hiệu lực ngay nên trong giai đoạn chuyển giao từ việc thực hiện Nghị định 38/2012 sang Nghị định 15/2018 với chủ trương thông thoáng cho Doanh nghiệp, yêu cầu các địa phương và các bộ ngành phải nhanh chóng bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị định này để tránh ách tắc cho doanh nghiệp đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, tạo cho thị trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tạo sự phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh, thực phẩm.

        Thực tế tại Lạng sơn, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến. Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP đã triển khai xong còn hạn chế. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức. Chủ yếu tại Lạng sơn là nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ nên cũng khó cho cơ quan quản lý có thể đi sâu, đi sát mọi mặt. Mô hình quản lý hiện hành với 3 ngành cùng tham gia và Sở Y tế chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm là phù hợp với điều kiện của cả nước ta hiện nay. Thực tế, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nếu quản lý hàng hóa, sản phẩm lương thực, thực phẩm trên các kệ hàng thì chỉ giải quyết được phần ngọn, không khắc phục được gốc của vấn đề; nghĩa là từ công đoạn sản xuất, chế biến, thì cơ quan quản lý sẽ hụt hơi trước những thay đổi trên thị trường. Nhưng quan trọng nhất vẫn là một cơ chế phối hợp hiệu quả và ý thức trách nhiệm của các ngành liên quan. Thực tế cho thấy, nếu người tiêu dùng trong nước đặt hàng thì doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất đủ năng lực đáp ứng yêu cầu. Nhưng để sản xuất được sản phẩm đáp ứng các yêu cầu đó đòi hỏi nhà sản xuất phải chi phí cao, trong khi mức thu nhập của người tiêu dùng trong nước đa phần chưa bắt kịp. Sự cách biệt này khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khó có thể tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, chấp nhận mức giá cao ở thị trường trong nước. Cung - cầu ở thị trường trong nước chưa gặp nhau. 

         Nguyên nhân các hạn chế, yếu kém do yếu tố chủ quan là chủ yếu. Trước hết là ở một số nơi chính quyền các cấp quản lý chưa nghiêm. Sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, nhất là ở cấp chính quyền tại cơ sở, doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng. Ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát ATTP, tuy nhiên thực tế vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm thực phẩm. Kết quả điều tra các vụ NĐTP cho thấy nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm là do:

- Sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn: Người tiêu dùng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã quá hạn sử dụng, thực phẩm hoặc đã hư hỏng biến chất, có hóa chất độc (cá nóc, nấm độc…) hoặc do hành vi cố tình gian dối của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Vệ sinh không đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh dẫn đến thực phẩm bị ô nhiễm các tác nhân gây ngộ độc từ bên ngoài môi trường xâm nhập (chủ yếu là các loại vi sinh vật gây bệnh).

- Thói quen của người tiêu dùng không đảm bảo an toàn như ăn sống, tái, ăn tiết canh…

      Giải pháp để thực hiện và chấp hành quy định nhà nước về ATVSTP cần sự phối hợp đồng bộ để kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm. Đó là việc triển khai các biện pháp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nuóc về an toàn thực phẩm trong tình hình mới đó là :

1) Chỉ đạo phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn;

2) Tăng cường quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm;

3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ;

4) Bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm;

          

1

               Kiểm tra tại bếp ăn của nhà hàng

                                                                                Nguyễn Nam Dũng – Chi cục ATTP