Skip to main content

AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TẠI CÁC BẾP ĂN TẬP THỂ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

        Hiện nay,việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các  doanh  nghiệp  và  các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau: tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các  doanh  nghiệp để tổ chức bếp ăn, trong tháng 9 và tháng 10 năm 2020 trên địa bản tỉnh đã xảy ra 02 sự cố tại bếp ăn tập thể của trường mầm non với 22 trẻ có hội chứng rối loạn tiêu hóa (Nôn, đau bụng, đi ngoài) phải nhập viện điều trị, nguyên nhân do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh và thực hành vệ sinh kém.Thực hiện Công văn số 2547/ATTP-NĐTT ngày 03/11/2020 của Cục An toàn thực phẩm về việc Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã tiến hành giám sát tại một số bếp ăn tập thể trên địa bàn của tỉnh.

1

       Trong thời gian từ ngày 09/10/2020 đến ngày 21/11/2020, đoàn kiểm tra giám sát đã kiểm tra giám sát được tổng số 41 cơ sở  trên trên địa bàn tỉnh, trong đó có: 26 bếp ăn tập thể trường học; 09 bếp ăn tập thể bệnh viện; 06 bếp ăn tập thể của Trung tâm điều dưỡng người có công, Trung tâm bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và của doanh nghiệp. Nhìn chung, các bếp ăn tập thể được kiểm tra, giám sát đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phần lớn các bếp ăn đã thực hiện theo nguyên tắc một chiều. Công tác vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ được thực hiện thường xuyên, tương đối sạch sẽ. Có hợp đồng mua thực phẩm và sử dụng thực phẩm còn hạn sử dụng. Tuy nhiên qua công tác giám sát cho thấy việc chấp hành các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế như một số bếp ăn của trường học được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước nên chưa được đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ hiện tại (10/41 bếp ăn tập thể chiếm 24.39% chưa trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, người chế biến không mang mặc bảo hộ được cấp trong quá trình chế biến và dụng cụ chứa đựng chất thải không có nắp đậy). Nguồn kinh phí phục vụ công tác bán trú tại các trường hạn hẹp, vì vậy các trường không được nâng cấp, mua mới các trang thiết, dụng cụ chế biến thực phẩm. Đối với các cơ sở bếp ăn tập thể của bệnh viện, doanh nghiệp trong những năm qua chưa được thường xuyên kiểm tra giám sát nên hầu như các cơ sở này chưa thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn chưa đúng qui định, chưa có hợp đồng mua thực phẩm, một số bếp ăn chưa thực hiện kiểm nghiệm nước dùng cho ăn uống. Người trực tiếp chế biến thực phẩm tại các bếp ăn cũng chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không mang mặc bảo hộ khi chế biến, chưa được khám sức khỏe ((04/15 bếp ăn, chiếm 26.66% chưa có hợp đồng mua thực phẩm).

Để đề phòng ngộ độc thực phẩm xảy ra trong các bếp ăn tập thể các trường học, bệnh viên, cơ quan và doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp như sau: thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các bếp ăn tập thể chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường và đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành về bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm. Chú trọng kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm. Đối với người quản lý, lãnh đạo các bếp ăn tập thể thực hiện đầy đủ các các quy định điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi đi vào hoạt động. Đầu tư cải tạo, nâng cấp và kịp thời sửa chữa cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu vệ sinh cơ sở theo quy định hiện hành. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hành vệ sinh cá nhân của người chế biến thực phẩm; kiểm tra, giám sát việc nhập nguyên liệu, thực phẩm hàng ngày.

                                                             Nguyễn Nam Dũng-Chi cục ATVSTP